Những quả penalty đang trở thành một nỗi ám ảnh với Man City. Tính cả pha đá hỏng của Sergio Aguero ở trận gặp Leicester, họ đã đá hỏng cả 4 quả penalty gần nhất ở Premier League, và 5 trong 15 quả trên mọi đấu trường mùa này.
Trên lý thuyết, mỗi quả penalty là một cơ hội ghi bàn mười mươi. Khoảng cách chỉ là 11m, trước mặt là khung thành rộng thênh thang. Dù thủ môn có xuất sắc tới đâu, thì chiếm lợi thế vẫn là người sút bóng. Thực tế, tính trung bình tỉ lệ thành bàn của những quả 11m là cao nhất, lên tới 75%, cao hơn nhiều lần so với những cú sút thông thường (chỉ khoảng 11%). Không phải tự nhiên sau khi được hưởng penalty, cầu thủ của đội tấn công ôm lấy nhau ăn mừng như vừa ghi bàn vậy.
Nhưng ở lần được hưởng penalty tiếp theo, cầu thủ penalty sẽ không dám làm điều đó. Họ thậm chí còn cảm thấy căng thẳng, nếu quả penalty ấy xuất hiện ở một thời điểm then chốt có thể tạo ra bước ngoặt cho trận đấu. Tỉ lệ thành công trên chấm 11m của Man City mùa này đang quá thấp. Họ chỉ thực hiện thành công 3/7 quả 11m ở Premier League mùa này, và đá trượt cả 4 quả gần nhất. Người tiếp theo lãnh trọng trách đá penalty chắc chắn sẽ bị đặt dưới một áp lực rất nặng nề.
Nhưng ai sẽ là người tiếp theo đá penalty cho Man City? Đó là một câu hỏi khó với Pep Guardiola. Vì 4 quả penalty đá hỏng của Man City được thực hiện bởi 4 cái tên khác nhau (trước Aguero là Sterling, Guendogan và Gabriel Jesus, riêng Jesus đá hỏng 2 lần). Chọn 1 trong 4 cầu thủ này đá quả penalty tiếp theo ẩn chứa nhiều rủi ro, vì mỗi người đều chịu áp lực tâm lý nhất định. Mà chọn 1 người mới hoàn toàn cũng rủi ro không kém: Người đó hoàn toàn có thể sẽ là nạn nhân tiếp theo của nỗi ám ảnh penalty này.
Guardiola cố gắng tỏ ra không quan tâm lắm tới chuyện Man City liên tục đá hỏng penalty. Ông vẫn muốn các cầu thủ tiếp tục tự quyết định ai sẽ là người đá 11m. Nhưng chính anh cũng biết rằng kết cục của cả mùa giải, số phận của một cầu thủ, một HLV, hoàn toàn có thể được quyết định bởi một quả penalty đá hỏng. Năm 2012, Messi đá hỏng penalty khiến Barca thất bại trong trận bán kết Champions League với Chelsea, dẫn tới quyết định chia tay Barca của Guardiola. 4 năm sau, Thomas Mueller đá hỏng quả penalty trong trận đấu với Atletico Madrid, khiến Bayern cũng của Guardiola phải ngậm ngùi nhìn đối thủ giành vé vào chung kết ngay trước mũi.
Không nói đâu xa, thành tích của Man City ở mùa giải này sẽ rất khác nếu các cầu thủ của họ tận dụng hết những cơ hội từ chấm 11m. Ở trận đấu với Tottenham, Man City có cơ hội tốt để vượt lên dẫn trước khi được hưởng một quả 11m, nhưng Guendogan đã đá trượt. Không lâu sau đó, Man City phải chơi thiếu người. Và từ chỗ dồn ép, có thể thắng đậm, họ phải rời sân với một thất bại (0-2).
Nếu ở đấu trường quốc nội, những quả penalty quan trọng 1, thì ở đấu trường châu Âu, chúng quan trọng 10. Guardiola là người hiểu điều đó hơn ai hết. Ông luôn nói rằng các trận đấu ở Champions League thường được quyết định bởi những”tiểu tiết”, và penalty chính là một trong những “tiểu tiết” quan trọng nhất. Tất nhiên, đấy là một “tiểu tiết” khó kiểm soát, bởi như người ta nói, penalty là một trò chơi may rủi. Tuy nhiên, nói may rủi không có nghĩa là chúng ta cứ thế phó mặc cho số phận. Ngược lại là đằng khác. Những đội bóng hàng đầu luôn nỗ lực hết sức để giảm thiểu khả năng tác động của yếu tố may rủi đó.
Bằng cách nào? Guardiola, hẳn là ông biết rõ hơn ai hết. Giữa tuần này là Madrid rồi...
Tới lúc trao quyền cho De Bruyne
66,7 - Tỉ lệ đá penalty thành công của Man City trên mọi đấu trường ở mùa giải này chỉ là 66,7%. Họ được hưởng 15 quả penalty và đá trượt 5 quả. Nhưng ở Premier League tỉ lệ này còn thấp hơn nhiều, chỉ 42,7%. |